Trang chủ
Vạn Phúc Leasing
Vạn Phúc Leasing
Vạn Phúc Leasing
Vạn Phúc Leasing
  1. Trang chủ
  2. Tin tức

TP Thủ Đức cần cơ chế, thẩm quyền vượt trội

Ngày đăng: 13:13 04-01-2021 | 321 lượt xem

TP Thủ Đức cần được hưởng quy chế hành chính đặc thù, được trao quyền tương xứng để tạo thành nơi dẫn dắt thúc đẩy kinh tế phát triển của TPHCM, của vùng và cả nước. Sự cào bằng trong cơ chế trao quyền sẽ khó giúp TP Thủ Đức phát triển mạnh mẽ.

Không thể ngang tầm cấp huyện

TP Thủ Đức được thành lập nhằm mục đích dẫn dắt kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mục đích của việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức đã rõ. Nhưng một câu hỏi quan trọng khác cần được trả lời, là khi sáp nhập thì có những thay đổi như thế nào về thẩm quyền?

TP Thủ Đức có quy mô dân số hơn 1 triệu người, diện tích tự nhiên gần 211,56 km2. Theo tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính, dựa vào quy mô dân số và diện tích tự nhiên thì TP Thủ Đức có thể sánh ngang với các đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích nhỏ và quy mô dân số không đông. Do đó, nếu xác định thẩm quyền của TP Thủ Đức tương tự thẩm quyền của chính quyền hành chính cấp tỉnh cũng không phải là khiên cưỡng.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, TP Thủ Đức là đô thị loại 1 trực thuộc TPHCM và vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện. Thực tế đặt ra là, với những thế mạnh và sự kỳ vọng của TPHCM cũng như cả nước thì không thể xác định thẩm quyền của chính quyền TP Thủ Đức chỉ ngang tầm với các đơn vị hành chính cấp huyện.

TP Thủ Đức cần cơ chế, thẩm quyền vượt trội

Hiện nay, TPHCM đã được Chính phủ phân cấp quản lý một số lĩnh vực, theo Nghị định 93/2001. Năm 2017, Quốc hội tiếp tục có Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong bối cảnh đó, TP Thủ Đức được thành lập thì những vấn đề về thẩm quyền của chính quyền TP Thủ Đức cũng cần những thay đổi nhằm bảo đảm cho việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Bởi vì sẽ không thể có những chính sách đặc thù nếu không có những thẩm quyền mang tính đặc thù. Vì vậy, thừa nhận những đặc thù trong thẩm quyền của chính quyền TP Thủ Đức là lời giải hợp lý nhất cho việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức.

Khác với cơ quan dân cử, cơ quan hành chính TP Thủ Đức phải thể hiện tính năng động, kịp thời để có thể đạt tính hiệu quả, sáng tạo như mục đích đặt ra khi thành lập. Như vậy, vấn đề trao quyền cho UBND TP Thủ Đức đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chính quyền địa phương nơi đây.

Tăng tính chủ động, giảm rào cản

Việc thành lập, phân loại, thay đổi các đơn vị hành chính lãnh thổ là tiền đề thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế và quản lý xã hội. Thông thường, khi sáp nhập các đơn vị hành chính nhỏ thành một đơn vị lớn hơn, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị được thuận lợi thì cần tăng thẩm quyền tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Sẽ không hợp lý nếu thẩm quyền TP Thủ Đức với quy mô dân số hơn 1 triệu người và diện tích hơn 211,56km2 cũng được đánh đồng với chính quyền quận 4 (chỉ hơn 200.000 người và diện tích 4,18km2). Vì vậy, thẩm quyền của chính quyền TP Thủ Đức cần được tăng hơn. Chắc chắn là mức độ trao thêm quyền cho TP Thủ Đức đến đâu sẽ phụ thuộc vào Trung ương. Nhưng việc trao quyền phải hướng đến mục đích tạo ra sự chủ động, sáng tạo trong thu hút các nguồn đầu tư cũng như giảm thiểu rào cản các nguồn lực phát triển TP Thủ Đức.

Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức có thể được phép áp dụng các chính sách, biện pháp ưu đãi, khuyến khích đặc biệt. Cụ thể là việc đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo, xứng đáng là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam. Áp dụng các chính sách khuyến khích về tài chính, miễn, giảm các loại thuế (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, thuế tài sản) nhằm phát triển Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học. Đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái; tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận nhằm thu hút các hoạt động công nghệ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bên cạnh đó là tạo thuận lợi trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng, giao thông, đất đai nhằm phát triển khu vực trọng điểm sáng tạo của TP Thủ Đức.

Trong khi các nước đang phát triển rất cần thu hút vốn để tạo nhiều công ăn việc làm và thực hiện công nghiệp hóa thì các công ty, tập đoàn kinh doanh lại cần đến những nơi hội đủ những ưu thế tổng hợp mang tính toàn cầu. Theo xu hướng đó, các đơn vị hành chính hội đủ những ưu thế hình thành vì mục đích khai thác hợp lý tiềm năng tự nhiên cho nhu cầu phát triển kinh tế vùng miền và cả nước thì nên được hưởng quy chế hành chính đặc thù. Với các thế mạnh mang tính tổng hợp, TP Thủ Đức hoàn toàn có thể thúc đẩy kinh tế phát triển nếu được trao quyền tương xứng.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Tại buổi trao Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM ngày 31-12-2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên mô hình “thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương” được hiện thực hóa. Tuy nhiên, để TP Thủ Đức phát triển thì TPHCM cần chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định mới về cơ chế, chính sách đặc thù cùng nhiệm vụ, quyền hạn vượt trội của chính quyền TP Thủ Đức so với chính quyền các quận hiện nay. Về nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, trong thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy TP Thủ Đức giai đoạn sau ngày 23-5-2021 (ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026), TPHCM tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan TP Thủ Đức; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để chính quyền TP Thủ Đức hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

“Thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương” là mô hình đầu tiên trong cả nước, chưa được luật định nên Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1111 (do Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thành lập - PV) sẽ nghiên cứu xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Trước mắt, theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của TP Thủ Đức.

KIỀU PHONG

Thực hiện tốt việc điều chỉnh giấy tờ cho người dân

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Theo đó, trước ngày 10-1, UBND các quận 2, 9, Thủ Đức thống kê, rà soát tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư đang triển khai dở dang… để chuẩn bị công tác bàn giao giữa các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, UBND TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành nhận bàn giao trước ngày 25-2.

Các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các quận, TP Thủ Đức và các phường liên quan thực hiện tốt việc điều chỉnh giấy tờ liên quan và không thu phí. Trong đó, Sở TN-MT tham mưu UBND TP hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động đất đai và hồ sơ sử dụng đất. Sở Xây dựng tham mưu UBND TP hướng dẫn điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép xây dựng công trình, nhà ở của tổ chức cá nhân. Công an TP hướng dẫn các địa phương, TP Thủ Đức thay đổi con dấu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; hướng dẫn người dân điều chỉnh, chuyển đổi các loại giấy tờ thuộc ngành công an phụ trách. Ngoài ra, UBND các phường sau sắp xếp và các cơ quan, đơn vị của TP Thủ Đức tổ chức điều chỉnh, chuyển đổi, chỉnh lý biến động trên các loại giấy tờ thuộc thẩm quyền; đồng thời hướng dẫn liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh, chuyển đổi, chỉnh lý trên các loại giấy tờ khi người dân có yêu cầu.

GIA MINH

TS CAO VŨ MINH Trường Đại học Luật TPHCM

Nguồn CAFELAND

XEM THÊM

HotlineGỌI NGAY Chat ZaloChat Zalo Chat FacebookFacebook